Contents
Báo cáo của Cục Thủy sản cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy sản khai thác chưa giảm được theo kế hoạch tuy nhiên tỷ lệ tăng đã thấp hơn nuôi trồng; cụ thể sản lượng nuôi trồng tăng 4,1% còn khai thác chỉ tăng 1%.
Kết quả chung
Trong 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng tăng 4,1% là chưa đạt kế hoạch, còn khai thác chỉ tăng 1% nhưng cũng đã vượt kế hoạch.
Số liệu cụ thể của Cục Thủy sản, tổng sản lượng thủy sản 4,385 triệu tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 47,6% kế hoạch. Trong đó, nuôi trồng 2,431 triệu tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ, đạt 42,8% kế hoạch; khai thác 1,953 triệu tấn, tăng 1% so với cùng kỳ, đạt 55,2% kế hoạch.
Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm ước 4,355 tỷ USD, tăng 4,9% cùng kỳ năm 2023 và đạt 45,8% kế hoạch (9,5 tỷ USD).
Sản xuất giống và thức ăn
Cả nước hiện có 7.256 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; tổng sản lượng khoảng 166 tỷ con. Trong đó, giống tôm nước lợ có 7 cơ sở nuôi tôm bố mẹ với khoảng 11.200 con; và 2.267 cơ sở sản xuất tôm giống thương phẩm với tổng sản lượng 82,9 tỷ con. Giống cá tra có 1.690 cơ sở, sản xuất 6,63 tỷ con cá bột và 0,9 tỷ con cá giống. Giống nhuyễn thể có 835 cơ sở, sản xuất 87,7 tỷ con. Giống cá biển có 112 cơ sở, sản xuất 135 triệu con. Giống cá rô phi/diêu hồng có 195 cơ sở, sản xuất 1,47 tỷ con. Cơ bản đã cung ứng đủ nhu cầu cho nuôi trồng thủy sản.
Về sản xuất, cung ứng thức ăn thủy sản. Cả nước có 824 cơ sở sản xuất, sản lượng trong 6 tháng đạt 2,72 triệu tấn; sản lượng thức ăn nhập khẩu khoảng 132 nghìn tấn. Cung ứng 0,7 triệu tấn cho tôm nước lợ; 1,02 triệu tấn cho cá tra; 1 triệu tấn cho thủy sản khác. Đã đáp ứng phục vụ nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên giá thành thức ăn còn cao.
Khai thác thủy sản
Tổng sản lượng khai thác 1,953 triệu tấn, tăng 1% so với cùng kỳ, đạt 55,2% kế hoạch cả năm. Gồm khai thác biển 1,864 triệu tấn (cá 1,45 triệu tấn; tôm 67 nghìn tấn; thủy sản khác 341 nghìn tấn) và khai thác nội địa 89 nghìn tấn.
Cả nước có 85.980 tàu cá (có 68.872 tàu đã đăng ký và 17.108 tàu chưa đăng ký). Trong đó, 39.867 tàu từ 6 – 12m; 16.561 tàu từ 12 – 15m; 27.022 tàu từ 15 – 24m; 2.530 tàu trên 24m. Việc đăng ký tàu cá dù các địa phương có nhiều nỗ lực nhưng với 17.108 tàu chưa đăng ký đang là áp lực lớn cho công tác gỡ thẻ vàng IUU những tháng tới.
Trong 6 tháng cũng phát hiện, xử lý 18 lượt tàu có chiều dài trên 24m vượt qua ranh giới vùng được phép khai thác thủy sản trên biển. Bên cạnh, 103 tàu có chiều dài hơn 24m mất kết nối hơn 10 ngày trên biển; 10.761 lượt tàu từ 24m trở lên mất kết nối từ 6 giờ đến 10 ngày trên biển. Đây cũng là một nội dung đang được các địa phương tập trung giải quyết để đón đoàn thanh tra của EC sang làm việc trong tháng 10/2024, gỡ được thẻ vàng IUU.
Nuôi trồng thủy sản
Trong 6 tháng đầu năm, diện tích thả nuôi không tăng nhiều so với cùng kỳ nhưng sản lượng tăng nhanh do áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến và tuân thủ quy định về mùa vụ. Giá nguyên liệu, vật tư đầu vào tiếp tục tăng cao nên hạn chế hiệu quả kinh tế.
Nuôi nước lợ diện tích 674,5 nghìn ha, tăng 1,1% so với cùng kỳ; tổng sản lượng 450,3 nghìn tấn, tăng 4,9%. Trong đó, tôm nước lợ 665,5 nghìn ha, sản lượng 454,8 nghìn tấn (tôm sú 122,1 nghìn tấn; tôm thẻ chân trắng 332,7 nghìn tấn); kim ngạch xuất khẩu đạt 1,63 tỷ USD. Nuôi cá biển ao và hỗn hợp khác 9 nghìn ha với sản lượng 38 nghìn tấn.
Nuôi cá tra diện tích 3.104 ha, giảm 2,8% so với cùng kỳ. Sản lượng 832 nghìn tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu 863 triệu USD.
Nuôi biển khoảng 9,2 triệu m3 lồng (gồm 4 triệu m3 lồng nuôi cá biển; 5,2 triệu m3 lồng nuôi tôm hùm) và 55 nghìn ha nuôi nhuyễn thể. Tổng sản lượng 370,4 nghìn tấn, tăng 12,6% so với cùng kỳ; trong đó cá biển 21 nghìn tấn, tôm hùm 1,35 nghìn tấn, nhuyễn thể 203 nghìn tấn, đối tượng khác 145 nghìn tấn.
Nguồn: SauNghe – Tepbac.com